Chắc hẳn nghĩ tới rượu, bạn chỉ nghĩ tới công dụng dùng để uống trong những cuộc vui chơi. Thế nhưng bạn biết không, rượu dùng trong nấu ăn cũng mang đến nhiều công dụng bất ngờ lắm đấy. Nếu còn chưa biết, hãy tham khảo ngay để còn ứng dụng vào việc nấu ăn của mình nữa!
1. Rượu nấu ăn là gì?
Rượu nấu ăn hay còn gọi là rượu gia vị, là một trong những nguyên liệu được dùng trong khi nấu ăn, giúp món ăn thêm đậm đà, thơm và còn hấp dẫn. Ngoài ra, rượu gia vị cũng được dùng để giúp thức ăn mau chín, mềm hơn và khử mùi hôi của thức ăn nữa.
Tùy từng món ăn mà bạn sẽ sử dụng loại rượu nấu ăn tương ứng như rượu vang trắng, rượu trắng hoặc rượu vang đỏ. Nếu thường xuyên nấu ăn bạn sẽ biết cách dùng rượu chính xác và dùng với liều lượng như thế nào.
2. Công dụng của rượu nấu ăn
Rượu nấu ăn có rất nhiều công dụng, Thu Hà sẽ chia công dụng của rượu nấu ăn ra làm 3 phần: công dụng trong sơ chế, công dụng trong nấu ăn và công dụng trong bảo quản.
2.1. Công dụng của rượu nấu ăn trong sơ chế
Khử mùi tanh của cá: Khi bạn muốn khử đi mùi tanh của cá, bạn chỉ cần ngâm cá vào trong rượu là được. Rượu có khả năng hòa tan các chất amin gây mùi tanh, khi nấu dưới nhiệt độ cao, rượu bay hơi làm các chất tanh cũng theo rượu bay mất.
Diệt khuẩn cho rau quả: Bạn có thể ngâm rau quả với rượu trắng thay vì muối, vi khuẩn và bụi bẩn sẽ được loại bỏ sạch sẽ. Tuy nhiên không nên áp dụng cách này cho các món salad vì nó sẽ làm thay đổi hương vị cho món ăn của bạn.
Ướp thịt thơm hơn: Bạn có thể dùng rượu nấu ăn để ướp với nước sốt thịt, khi thịt nướng lên vừa thơm vừa ngon, do rượu có thể phản ứng với các axit tự do để tạo thành este mùi thơm.
Giúp làm lông gà, vịt dễ dàng: Khi làm lông gà, lông vịt, sử dụng rượu nấu ăn sẽ giúp vặt lông gà, lông vịt dễ dàng hơn. Rượu sẽ khiến thân nhiệt chúng nóng lên, phần chân lông gà và vịt nở ra, nhờ đó bạn sẽ dễ dàng nhổ chúng đi.
Giúp thịt bò mềm hơn: Khi sơ chế thịt bò, thêm vài giọt rượu vang đỏ sẽ giúp cho miếng thịt mềm hơn. Do rượu có tính axit nên khi tác động lên protein trong thịt bò sẽ giúp thịt trở nên mềm hơn.
2.2. Công dụng của rượu nấu ăn khi chế biến
Khử mùi hôi của thịt lợn: Rượu trắng thường được các đầu bếp dùng để giúp thịt lợn luộc được thơm hơn, đánh bay mùi hôi khó chịu của thịt lợn. Khi luộc thịt gần chín, bạn nhỏ vài giọt rượu trắng vào nồi là được.
Làm chín cơm sống: Một mẹo mà các cô nàng phải lưu ngay vào sổ tay làm bếp nè. Khi cơm bạn bị nửa sống nửa chín, chỉ cần cho vài thìa rượu vào trong nồi cơm rồi nấu thêm 5-10 phút nữa là cơm sẽ chín mềm.
Giảm vị chua của giấm: Thông thường để tạo độ chua cho món ăn, bạn hay sử dụng giấm. Tuy nhiên nếu lỡ cho quá nhiều giấm vào trong món ăn của mình, hãy thêm vào một ít rượu trắng, độ chua của giấm sẽ giảm đi rất nhiều đấy vì rượu sẽ oxy hoá giấm thành CO2 và H2O làm giảm độ chua dung dịch.
2.3. Công dụng của rượu khi bảo quản thức ăn
Giúp bảo quản thịt được lâu mà không cần dùng tủ lạnh: Lỡ không may tủ lạnh bị hư mà bạn muốn bảo quản thịt được lâu thì đã có rượu nấu ăn rồi. Sau khi mua thịt về rửa sạch, bạn cho rượu trắng vào tô sao cho lượng rượu xâm xấp lượng thịt rồi dùng tay bóp nhẹ cho rượu ngấm vào trong thịt.
Để thịt vào túi nilon rồi bọc kín, để nơi khô thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp là bạn có thể bảo quản được thịt trong vòng 2-3 ngày rồi.
Bảo quản thịt gà, thịt vịt tươi ngon, không bị nhạt màu: Thịt gà, thịt vịt để bảo quản lâu mà không mất chất dinh dưỡng hay nhạt màu thì bạn chỉ cần tẩm rượu vào thịt gà rồi bịt kín chúng lại, để vào tủ lạnh là được.
3. Cách sử dụng rượu nấu ăn
Để rượu nấu ăn phát huy được 100% công dụng, bạn nên tuân thủ những nguyên tắc sử dụng rượu nấu ăn dưới đây:
Đừng thắc mắc thêm vào bao nhiêu rượu nấu ăn cho món ăn là đủ, lượng rượu được thêm vào tùy thuộc vào món ăn, khối lượng bạn nấu và tính đặc trưng của hương vị món ăn đó.
Khi bạn ướp thịt, bạn nên áp dụng tỷ lệ vàng 1 muỗng canh rượu tương ứng với 1 kg thịt.
Không nên chế biến món ăn với rượu không rõ nguồn gốc, rượu dở, rượu hết hạn sử dụng vì như thế rượu sẽ làm mất đi hương vị đặc trưng, độ thơm ngon của món ăn.
Khi ướp rượu cho món nướng, bạn nên ướp trong vòng 2 tiếng. Với những món hấp hay luộc thì rượu thường được cho vào trong lúc chế biến.
4. Các dòng rượu dùng trong nấu ăn
4.1. Rượu Mirin
Rượu Mirin là loại rượu được dùng trong rất nhiều món ăn của Nhật. Loại rượu này được làm bằng cách lên men koji, nếp và cồn trong khoảng 40 – 60 ngày để tiết ra các loại đường. Sau đó, sẽ được ép lấy nước cốt, lọc đi cặn và thu được rượu Mirin để nấu ăn.
Rượu Mirin chỉ có nồng độ cồn 14% và có vị ngọt, rất phù hợp để nêm nếm cho các món ăn.
4.2. Rượu Ryorishu
Cũng là một loại rượu có nguồn gốc từ Nhật Bản. Ryorishu được lên men từ gạo, koji, men và nước. Sau khi các nguyên liệu đã lên men sẽ được đi ép và lọc lấy phần nước cốt.
Cồn trong Ryorishu vừa phải, có tác dụng giúp thịt mềm, tươi và ngọt hơn khi nấu. Do đó, loại rượu này rất phù hợp khi chế biến cùng các món thịt.
4.3. Rượu vang
Nếu nói đến các món Âu thì trong gia vị không thể thiếu rượu vang. Các loại rượu vang đỏ, trắng có nguồn gốc từ Ý, châu Âu mang lại hương vị hơi chát, nồng và khử mùi thịt hiệu quả.
Rượu vang được lên men từ các loại nho, cũng được lên men và ép lấy phần nước cốt. Bởi vì có khả năng khử mùi cao nên thường dùng trong các món thịt như thịt cừu, thịt bò,…
4.4. Rượu mai quế lộ
Đây là loại rượu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Rượu mai quế lộ được nấu từ gạo và hoa hồng, đường phèn cùng các nguyên liệu như hồi, quế, thảo quả tạo nên mùi hưng rất thơm ngon đặc trưng.
Rượu mai quế lộ thường được dùng cho các món nướng, món trứng muối, bánh trung thu nhằm khử mùi và giúp món ăn có màu sắc bắt mắt hơn.
Rượu nấu ăn là một nguyên liệu vô cùng quen thuộc trong bếp của những bà nội trợ hiện đại đấy. Hy vọng với những thông tin trên mà Thu Hà cung cấp, bạn có thể hiểu hơn về loại rượu nấu ăn và cách sử dụng chúng cho chính xác.