Mầm đá không chỉ xuất hiện trong tích Trạng Quỳnh mà ở vùng Sapa của Việt Nam rất nổi tiếng với một loại rau mầm đá quý hiếm. Vậy rau mầm đá này là gì? Có đặc điểm ra sao và được dùng để chế biến món ăn như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết này của Thu Hà nhé!
1. Rau mầm đá là gì?
Rau mầm đá vốn là một loại rau cải, đặc sản hiếm có chỉ xuất hiện ở vùng núi rừng Tây Bắc, nhất là ở Sapa, tỉnh Lào Cai.
Loại rau này trở nên quý hiếm vì một năm chỉ có một lần, phát triển ở những vùng có khí hậu lạnh như trên núi cao khi có sương và tuyết rơi. Thông thường rau mầm đá sẽ sinh trưởng mạnh từ tháng 9 đến tháng 2 hàng năm.
2. Đặc điểm của rau mầm đá
Nhìn bên ngoài, rau mầm đá Sapa khá giống cây cải ngồng mà chúng ta vẫn thường dùng để ăn, nhưng có phần bẹ to và nhiều mầm non mọc tua tủa xung quanh giống như những búp măng.Rau cải ngồng có bao nhiêu calo? Một số lưu ý khi dùng cải ngồng
Rau còn tươi sẽ cứng, giòn, phần lá khá ít nên khi nhìn vào khiến bạn liên tưởng đến hình ảnh hòn đá đang mọc mầm.
Rau mầm đá có vị ngọt thanh, hơi giòn và trong loại rau này có chứa khá nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe con người.
3. Công dụng của rau mầm đá
3.1. Tốt cho xương khớp
Công dụng trong việc chữa các bệnh về xương khớp của rau cải mầm đá xuất phát từ thời Trạng Quỳnh. Khi mà trời đông lạnh đến khiến nhà vua bị đau nhức xương khớp, ông đã đi tìm các bài thuốc dân gian và phát hiện đến loại rau này cải thiện được tình trạng đau nhức xương khớp của nhà vua.
3.2. Bồi bổ sức khỏe cho cơ thể
Rau mầm đá có chứa chất men tự nhiên, kích thích cơ thể sản sinh ra các chất tăng đề kháng cho cơ thể thêm dẻo dai, bền bỉ.
Ngoài ra, rau mầm đá còn giúp giảm lượng cholesterol xấu trong máu, ngăn ngừa các bệnh cảm cúm và giải rượu tốt.
3.3. Dưỡng da
Rau mầm đá giàu vitamin E và vitamin C, cùng lượng nước dồi dào giúp cho làn da luôn tươi trẻ, ngăn quá trình lão hóa và dưỡng da ẩm mịn, căng mướt, không bị khô.
4. Các món ngon từ rau mầm đá
4.1. Rau mầm đá luộc
Cách đơn giản để hưởng thức trọn vẹn hương vị của rau mầm đá là đem đi luộc. Nhưng để giữ rau có được độ ngọt, giòn mà không bị nhũn thì không phải ai cũng biết.
Bạn chỉ cần đun một nồi nước sôi ở lửa lớn, sau khi đó cho rau đã rửa sạch vào khoảng 30 giây là có thể vớt ra ăn ngay, rau vẫn giữ được độ xanh, giòn.
Rau mầm đá luộc rất thích hợp chấm với mắm kho quẹt, nước kho thịt hay nước mắm dằm cùng trứng luộc, muối mè lạc rang, nước mắm tỏi ớt, xì dầu là hoàn hảo cho một bữa ăn no bụng.
4.2. Rau mầm đá xào thịt
Rau mầm đá mà đem đi xào cùng với các loại thịt như: Thịt heo, thịt bò hay thịt trâu đều ngon, vì vị ngọt của rau sẽ thấm vào từng miếng thịt rất vừa ăn mà không cần nêm nếm quá nhiều gia vị.
Để thực hiện món ăn này, bạn cần cắt rau thành từng miếng mỏng. Sau khi thịt được xào vừa chín tới thì bạn cho rau vào đảo đều qua lại khoảng 1 phút là đã có thể ăn được. Rau mầm đá giòn, tươi xanh, ăn không ngán mà ngọt ngọt dễ ăn.
4.3. Dùng để muối chua
Rau mầm đá có phần thân khá dày như củ cải, nên dùng để muối chua ăn cũng rất ngon, có vị chua chua, cay cay của ớt, mùi thơm nồng của tỏi và rất giòn. Ăn cùng với cơm hay các món kho, chiên sẽ giúp chống ngán.
Để thực hiện món ăn này, bạn cần phơi rau ngoài ánh nắng cho hơi héo, rồi cắt thành khúc nhỏ để ngâm được mau chua.
Sau đó, đem đi rửa thật sạch rồi cho vào hũ, thêm hỗn hợp nước muối, giấm, đường đã đun sôi để nguội và ngâm 2-3 ngày là đã có thể ăn được. Bạn có thể thêm tỏi, ớt để tăng thêm hương vị cho món ăn.
5. Lưu ý khi chế biến các món ăn từ rau mầm đá
Khi chế biến các món ăn làm từ rau mầm đá, bạn cần lưu ý một số điều sau để hương vị món ăn được trọn vẹn hơn:
- Khi luộc hoặc xào rau mầm đá bạn chỉ nên giữ cho rau vừa chín tới, để rau không bị mềm nhũn, mất ngon và giảm dinh dưỡng.
- Khi xào nên xào ở lửa lớn và đảo đều tay để rau được xanh mướt.
- Bạn có thể dùng mỡ heo để xào sẽ giúp món ăn thêm ngon.
- Nên thái rau mầm đá cho mỏng trước, rồi đem đi xào sẽ giúp ngấm gia vị hơn.
6. Phân biệt rau mầm đá SaPa và rau mầm đá Trung Quốc
Rau mầm đá SaPa sẽ có hình dáng gần giống với loại cải ngồng. Có nhiều nhánh cây con mọc tua tủa xung quanh, nên trông giống như một cái tháp. Rau mầm đá sẽ có màu xanh non, các nhánh cũng mập mạp. Thông thường, một cây rau mầm đá sẽ nặng khoảng 1 kg và rau mầm đá sẽ được bán với giá khoảng 45.000 – 75.000 đồng/1kg.
Trong khi đó, rau mầm đá Trung Quốc sẽ có bề ngoài đẹp và to hơn nhiều, với khối lượng lên đến 3 kg. Nếu để ở nhiệt độ thường sẽ để được khoảng 4 ngày, nhưng nếu dính nước thì chỉ 2 ngày là sẽ bị hư hỏng. Giá của rau mầm đá Trung Quốc cũng rẻ hơn rau mầm đá SaPa, chỉ ở khoảng 20.000 – 30.000 đồng/1kg.
Trên đây là những thông tin về loại rau mầm đá, một loại đặc sản quý chỉ có ở vùng núi cao Tây Bắc nước ta mà nhiều người quan tâm. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích mà bạn đang tìm kiếm.