Hội chứng ruột kích thích (IBS) có thể dẫn đến các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón. Để cải thiện tình hình, người bệnh cần nhất mực tuân theo một chế độ ăn đặc biệt gọi là FODMAP.
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản nhất về FODMAP, cách thực hiện chế độ ăn FODMAP cũng như những người phù hợp/không phù hợp với nó. Cùng Thu Hà tìm hiểu ngay nhé!
1. Chế độ ăn FODMAP là gì?
FODMAP là cụm từ viết tắt của Fermentable Oligosacarit, Disaccarit, Monosaccarit và Polyol. Đây là các loại carbohydrate chuỗi ngắn mà một số người không thể tiêu hoá được.
Thay vào đó, chúng đi xuống tới tận ruột già. Các vị khuẩn tại đây sẽ lên men các loại carbohydrate này và dùng làm nhiên liệu sản sinh ra Hydro gây triệu chứng chướng bụng, đầy hơi,…Ngoài ra, FODMAP còn có hoạt tính thẩm thấu”, nghĩa là chúng có khả năng hút nước vào thành ruột và gây ra chứng tiêu chảy.
Chế độ ăn ít FODMAP được công bố lần đầu vào năm 2010 bởi nhóm các nhà nghiên cứu tại đại học Monash. Theo nghiên cứu, họ phát hiện ra rằng việc hạn chế thực phẩm chứa nhiều Fodmap có thể giúp giảm các triệu chứng ruột kích thích (IBS) phổ biến.
“Có đến 70% -80% bệnh nhân mắc IBS có thể được hưởng lợi, ở một mức độ nhất định, từ chế độ ăn uống FODMAP thấp”, theo Eamonn M. Quigley, MD, giám đốc của Trung tâm Lynda King. và David M. Underwood chuyên gia rối loạn tiêu hóa tại bệnh viện Houston Methodist
Chế độ ăn ít FODMAP chủ yếu dành cho những bệnh nhân mắc chứng IBS. Theo nghiên cứu, chế độ ăn này có thể giúp 75% số người bệnh cải thiện tình trạng tiêu hoá, đồng thời mang đến những lợi ích về tâm lý, ngăn ngừa căng thẳng, lo âu và trầm cảm.
2. Thực hiện chế độ ăn FODMAP như thế nào?
Theo nghiên cứu của giáo sư William D.Chey, làm việc tại Đại học Michigan, chế độ ăn kiêng FODMAP cần trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu loại bỏ FODMAP từ 2 đến 4 tuần. Nếu FODMAP là nguyên nhân cho vấn đề của bạn thì bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn và có thể tiến đến giai đoạn 2.
Tiếp đến là giai đoạn dùng lại các thực phẩm có chứa FODMAP một cách riêng lẻ để xác định mức độ nhạy cảm của bạn, rồi xem xét hạn chế hay loại trừ chúng trong chế độ ăn. Và cuối cùng là giai đoạn tự do hoá chế độ ăn uống theo phác đồ của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Cũng theo giáo sư Chey, hơn 85% bệnh nhân mắc hội chứng IBS có thể tiến tới giai đoạn tự do hoá chế độ ăn kiêng trong thời gian dài, các triệu chứng giảm dần và chất lượng cuộc sống cũng tốt hơn.
3. Chế độ ăn FODMAP nên ăn gì?
Bạn nên lưu ý rằng việc loại bỏ hoàn toàn FODMAP là điều cực kỳ khó khăn và gần như không thể. Chế độ ăn FODMAP mục đích chính là giảm thiểu chúng. Vì vậy, bạn cần hạn chế các thực phẩm/nguyên liệu chứa nhiều FODMAP, đồng thời sử dụng các thực phẩm có ít FODMAP hơn.
Dưới đây là danh sách một số loại thực phẩm phổ biến chứa nhiều FODMAP:
- Trái cây: Táo, anh đào, dưa hấu, quả sung, chà là, quả mâm xôi, hoa quả đóng hộp,…
- Sữa và các sản phẩm từ sữa: Sữa tươi, kem, sữa chua, phô mai và các loại thực phẩm chức năng bổ sung whey protein.
- Các chất làm ngọt: Fructose, mật ong, xylitol, mannitol, maltitol, sorbitol, siro bắp có phân tử cao,…
- Cây họ đậu: Đậu nành, đậu gà, đậu lăng,..
- Rau củ: A-ti-sô, măng tây, củ dền, bông cải xanh, đậu bắp, tỏi,…
- Lúa mì: Bánh mì, ngũ cốc ăn sáng, bánh quy,…
- Đồ uống: Bia, rượu vang, nước hoa quả, sữa đậu nành,..
Ngoài ra, còn có rất nhiều loại thực phẩm lành mạnh, chứa ít FODMAP mà bạn có thể sử dụng trong chế độ ăn FODMAP.
- Tất cả các loại thịt, cá và trứng, ngoài trừ trường hợp chúng đã có thêm các thành phần nhiều FODMAP như siro hay lúa mì.
- Tất cả các loại chất béo và dầu
- Các loại thảo mộc và gia vị
- Các sản phẩm từ sữa không chứa lactose và phô mai cứng (như loại brie và camembert)
- Các loại hạt và quả hạch: Hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng, hạt mắc ca,…
- Hoa quả: Chuối, việt quất, bưởi, nho, cam, chanh dây, dâu tây,…
- Chất làm ngọt: Mật mía, cỏ ngọt, các chất làm ngọt nhân tạo
- Rau củ: Ớt chuông, cần tây, cà rốt, dưa chuột, cà tím, gừng, ô-liu, khoai tây, củ cải đỏ, hành lá, khoai lang, cà chua,…
- Ngũ cốc: Yến mạch, diêm mạch,..
- Đồ uống: Nước lọc, cà phê và trà,…
4. Những người phù hợp/không phù với chế độ ăn FODMAP
Nếu bạn đang có các tình trạng bệnh lý sau đây: Rối loạn tiêu hoá, kém hấp thụ lactose/fructose, viêm ruột, hội chứng ruột kích thích, nhạy cảm với gluten,… thì chế độ ăn FODMAP có thể” sẽ giúp cải thiện tình trạng của bạn.
Tuy nhiên, đối với nhiều người, FODMAP vẫn là 1 nguồn năng lượng sạch, hoặc có thể hỗ trợ lợi khuẩn trong đường ruột như các loại chất xơ prebiotic. Vì vậy, những người không gặp vấn đề dung nạp FODMAP thì cũng không cần chế độ ăn này vì nó khá vô nghĩa và đôi khi gây ra cả bất lợi.
Ngoài ra, bạn cần tham vấn lời khuyên từ các bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng nếu muốn sử dụng chế độ ăn FODMAP vì cần có phác đồ điều trị và lựa chọn thực phẩm phù hợp trong từng giai đoạn.
Trên đây là những chia sẻ của Thu Hà về chế độ ăn FODMAP dành cho người bị hội chứng ruột kích thích. Hy vọng bạn đã có thêm nhiều thông tin thú vị và bổ ích!
Nguồn: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, Vinmec.com