1. Bánh khô, cứng
Có ba nguyên nhân dẫn đến bánh khi nướng bị khô, cứng:
– Nướng bánh quá kỹ hay nướng bánh ở nhiệt độ quá cao.
– Sử dụng quá ít dầu khi làm bánh hoặc dầu chưa ngấm được vào phần nhân.
– Nếu chỉ có phần vỏ bánh bị cứng là do nước đường của bạn quá đặc.
Trong trường hợp này bạn nên chú ý đến lượng bánh trong lò, kích thước và trọng lượng từng bánh:
– Bánh khoảng 200 – 250g, nên nướng 3 lần, mỗi lần 7 phút với nhiệt độ 200 – 220 độ C.
– Trung bình với 1 bánh Trung Thu 250g bạn sẽ cần ít nhất 1 muỗng canh dầu ăn để dầu có thể ngấm vào nhân.
– Chú ý phần nước đường của bạn, đảm bảo khi phết lên bánh chúng chỉ vừa sệt mà không quá cô đặc hay có thể kéo sợi.
2. Bánh bị ướt
Bánh Trung Thu sau khi nướng bị ướt thường do nước đường bị đọng hạt li ti hay trong quá trình nướng bánh bạn xịt quá nhiều nước vào giữa các lần nướng bánh.
Tuyệt đối không dùng nước đường đọng hạt li ti, nên dùng nước đường đã hòa tan hoàn toàn, chú ý độ cứng của bánh trong những lần xịt thêm nước, mỗi lần xịt chỉ nên xịt một lớp thật mỏng.
3. Bánh nứt
Bánh nứt khi nướng làm mất thẩm mỹ khiến các chị em không hài lòng, nguyên nhân chủ yếu do quá trình nhào bột quá khô, không có thời gian để bột nghỉ nở. Ngoài ra còn có thể do phết dầu, trứng gà khi bột bánh chưa ráo.
Chú ý quá trình nhào bột không để quá khô, đồng thời cho bột bánh có thời gian nghỉ.
Khi bột bánh se lại không còn ướt mới bắt đầu dùng chổi chuyên dụng phết dầu và trứng.
4. Bánh màu không đẹp
Bánh nướng có màu không đẹp chủ yếu do phần nước đường, hoặc bánh còn non, nướng chưa đạt.
Nước đường bạn nên làm trước 1 2 tháng, nước đường để càng lâu, bánh lên màu càng đẹp. Bạn cũng có thể thêm chút màu thực vật hoặc bột tro tàu khi phết đường lên bánh.
Xem thêm: Cách chọn mua và bảo quản bánh trung thu
Thu Hà mong rằng với những thông tin trên bạn đã có thể tự tay làm bánh Trung Thu cho cả gia đình vào mùa trung thu này. Chúc bạn thành công với món ăn này.