1. Lựa chọn thịt
Để thịt đông có độ kết dính, đẹp mắt và ngon hơn bạn nên chọn thịt chân giò để chế biến. Đặc biệt nên chọn chân trước.
Phần chân này thường có xương nhỏ, nhiều thịt, da mỏng, lớp mỡ vừa dễ rút xương, khi nấu cũng không bị ngấn mỡ quá béo.
Chọn phần chân chắc thịt, da màu trắng hồng, không có dấu vết lạ. Phần thịt bên trong màu đỏ hồng tươi có thể thấy được phần xương trắng, mùi thơm đặc trưng, khoảng 500 600g.
Ngoài ra để tạo thêm hương vị bạn có thể kết hợp thêm thịt gà, cũng như phần tai heo nhằm tạo độ giòn hấp dẫn cho phần thịt đông.
2. Cách thêm gia vị
Khi nêm gia vị cho món thịt đông bạn tránh sử dụng nhiều muối và nước mắm, thịt đông mặn sẽ rất khó đông, không giữ được vị thanh mát tự nhiên. Do đó bạn chỉ rắc chút muối và nước mắm, nêm nhạt hơn so với thông thường.
Hạt tiêu, nấm mộc nhĩ và nấm hương (tươi hoặc khô), hành khô là những gia vị không thể thiếu trong món thịt đông. Tuy nhiên khi thái nấm không nên thái sợi quá nhỏ, như vậy sẽ khó giữ được độ giòn từ nấm và chúng dễ làm thịt vụn, khó đông.
3. Giữ độ trong và vị ngon đúng chuẩn
Sơ chế thịt kỹ, sát muối, cạo, nhổ sạch lông heo trước khi rửa sạch. Ngâm nước cho nấm nở bung nếu sử dụng nấm khô.
Nước cho vào thịt khi thịt săn lại, chú ý giữ lượng nước sau khi nấu xong chỉ vừa ngập mặt thịt, quá nhiều nước sẽ gây loãng, khó đông, ít nước lại làm thịt đông đặc, đậm vị không giữ được độ thanh mát.
Chế biến thịt trước, khi thịt sôi sẽ nổi bọt, bạn cần vớt bọt liên tục để giữ độ trong của thịt đông. Nếu thêm tai heo, thịt gà bạn cần thái sợi đối với tai heo, thịt gà xé nhỏ loại bỏ phần xương.
Sau khi thịt chín mềm mới cho nấm vào, sau 10 15 phút nấm chín, giữ được độ giòn ngọt của nấm.
Thông tin tham khảo: cooky.vn
Sau khi chế biến, bạn cho thịt ra hộp để nguội, sau đó đặt vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 4 tiếng thịt sẽ đông lại, có độ trong, ngon, hấp dẫn. Chúc bạn thành công.
Thu Hà