1. Nhận biết mực khô bằng hình thức
Mực khô tươi và an toàn có màu hồng tươi, thân mực thon dài, lưng mực có một lớp phấn bao phủ, vài chấm đen nhỏ trên thân mực. Râu mực xoăn, dính chặt vào thân.
Mực khô ngâm hóa chất thường có màu nâu sậm, lớp phấn dầy cộm nhưng không dính với thân mực. Râu mực không còn xoăn hoặc bị rơi ra khỏi thân mực.
2. Nhận biết bằng cách sờ thân mực
Mực khô tươi có độ đàn hồi, dai nhưng có thớ thịt rõ ràng, dễ xé. Khi xé kéo theo những thớ thịt nhỏ và mỏng. Mực khô một nắng cầm lên cảm giác khô tay, lớp phấn không bị rơi ra khi cầm.
Mực khô ngâm hóa chất rất dai, không xé được, cầm lên có cảm giác nhớt, ướt tay, lớp phấn dễ dàng rơi ra khi sờ tay vào.
3. Nhận biết mực khô nướng bằng mùi vị
Mực khô tươi có mùi tanh đặc trưng của mực, khi nướng có mùi thơm hấp dẫn, thịt ngọt.
Mực khô ngâm hóa chất có thể có mùi tương tự như mực khô tươi, do hương liệu tổng hợp nhưng cũng có một số loại có mùi tanh hôi. Khi nướng lên, mực khô tẩm hóa chất không có mùi thơm, thịt đắng, dai, không xé được hoặc rất bở.
4. Nhận biết mực khô tẩm hóa chất bằng… ruồi
Khi mua mực khô về, bạn hãy để mực trên bàn hoặc một nơi thông thoáng và quan sát. Mực khô tươi thường có mùi tanh rất hấp dẫn lũ ruồi. Nếu là mực khô tươi nguyên chất, ruồi sẽ thay nhau bu vào. Nếu mực khô bị tẩm hóa chất, ruồi sẽ nhận biết ngay mối nguy hiểm và tránh xa. Hóa chất được tẩm vào mực khô thường là chất diệt côn trùng Trichlorfon, ruồi vốn rất sợ hóa chất này.
Tuy nhiên cách nhận biết này chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn, khi thấy ruồi xuất hiện và bu vào, bạn nên cất mực khô đi hoặc đem phơi nắng trở lại, tránh vi khuẩn từ ruồi xâm nhập vào mực.
Hóa chất được tẩm vào mực khô có thể gây chảy máu mắt, mù lòa, suy thận, thậm chí tử vong. Hóa chất Trichlorfon đã bị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiêm cấm sử dụng từ năm 2009. Hãy cùng nhau tẩy chay mực ngâm hóa chất để bảo vệ sức khỏe cho gia đình bạn và cho cộng đồng.
Thu Hà