Cứ tưởng những quả cà mọc dại ven đường chẳng có gì đặc sắc thế nhưng tại các tỉnh Tây Bắc, loại cà này lại được rất nhiều người tìm mua. Không chỉ có mùi vị độc đáo, chế biến được nhiều món ăn mới lạ mà cà dại còn có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Cùng Thu Hà tìm hiểu vì sao loại quả này lại được săn lùng đến thế trong nhiều năm qua nhé.
1. Cà dại là gì
Nổi tiếng và xuất hiện nhiều ở tỉnh Sơn La, loại quả cà mọc dại ở các bãi đất trống, ven đường, nương rẫy ngày trước không được chú ý và thường bị người dân cắt bỏ, thì bây giờ, cà dại bỗng trở thành một loại đặc sản thơm ngon được rất nhiều người săn lùng.
Thông thường, loại cà dại này có phần thân nhỏ, mọc đứng, cao 2-3m, có gai. Lá mọc so le, dài và rộng. Còn hoa có màu trắng mọc thành từng cụm xen kẽ với lá. Quả mọng hình cầu, khi chín có màu vàng.
Cà dại là loại cây họ cà mọc hoang ở vùng núi có thể thu hái và mọc quanh năm. Rễ cây, quả hay lá, hoa đều được tận dụng để chế biến các món ăn hoặc làm thuốc. Đặc biệt, cà dại được rất nhiều du khách yêu thích và mua về làm quà khi đến đây. Một túi quả cà dại từ 400g – 500g thường có giá khoảng 8.000 – 10.000 đồng.
2. Tác dụng của cà dại
Theo y học cổ truyền, cà dại có khá nhiều công dụng chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe. Cà dại có tác dụng hoạt huyết, tán ứ, tiêu thũng, giảm đau, trừ ho. Loại quả này còn thường được dùng trị đau thắt lưng, đau dạ dày, đau răng, ho,…
Theo báo Sức khỏe và Đời sống, cà dại còn có thể được ứng dụng trong một số mẹo và bài thuốc dân gian như:
Làm dịu vết ong đốt: Giã nát quả cà dại hoa trắng với lá lốt, vắt lấy nước và thoa đều lên chỗ bị ong đốt.
Chữa nước ăn chân: Sắc lấy nước đặc 20g-30g lá chè xanh, dùng ngâm rửa chân trong 5-10 phút. Sau đó lấy khoảng 20g quả cà dại và 20g lá lốt, giã nát và thêm ít nước rồi dùng bông thấm nước bôi vào những vùng da bị nước ăn chân, nứt nẻ.
Chữa đau răng do bị sâu: Sắc lấy nước 10g rễ cà dại, 10g rễ cây chanh, 10g vỏ cây lai, 10g vỏ cây trẩu. Sau đó ngậm nước này rồi nhổ đi.
3. Cách chế biến cà dại
Vào những thập kỷ trước, khi cuộc sống còn khó khăn, loại cà này là thức ăn cứu đói cho bà con khi đi làm nương rẫy. Cà dại có vị đắng nhẹ nhưng rất bùi và thơm. Loại quả này có thể được luộc lên rồi đem chấm muối ăn với cơm.
Quả cà dại ăn rất mát và bổ, vì thế được rất nhiều người tìm mua và săn lùng. Để chế biến cà dại cũng rất đơn giản. Sau khi được thu hái, quả cà dại sẽ được rửa sạch rồi đem luộc khoảng 15-20 phút. Ăn kèm với lá chanh thái mỏng và cho ít bột canh hoặc muối và trộn lại với nhau. Một món ăn đặc sản dân giã mà lại hấp dẫn đã được ra đời.
Vừa rồi là những thông tin về quả cà dại và những công dụng tuyệt vời của nó mà Thu Hà muốn gửi đến bạn. Mong rằng bài viết trên đã đem lại cho bạn những kiến thức hữu ích về loại quả đặc sản này.
Nguồn: Sức khỏe và Đời sống