Bánh mì là một món ăn truyền thống của người Việt Nam, với hương vị thơm ngon, có thể biến tấu thành vô vàn món ngon. Nhưng các loại bánh mì thường không bảo quản được lâu, dễ bị khô và ẩm mốc. Bạn đừng lo nhé! Hãy bỏ túi ngay những cách bảo quản bánh mì hiệu quả sau đây.
1. Cách bảo quản bánh mì giòn lâu
Bánh mì thường rất dễ bị mềm ỉu dẫn đến việc phải bỏ đi, gây lãng phí. Hãy tham khảo ngay những cách dưới đây để giúp bánh mì giòn lâu hơn nha.
1.1. Sử dụng túi giấy hoặc giấy báo
Bánh mì mới mua thông thường sẽ giữ được độ giòn từ 8 – 9 tiếng nên trong khoảng thời gian này bạn hãy dùng túi giấy hoặc giấy báo bọc chúng lại. Đây là cách bảo quản đơn giản, nếu bạn muốn giữ được độ giòn của bánh mì cho ngày hôm sau.
Trong giấy có cơ chế thấm hút mạnh nên bạn chỉ cần bọc chúng lại và bảo quản ở nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng là qua hôm sau bạn vẫn có thể thưởng thức được những ổ bánh mì giòn ngon.
1.2. Dùng nước và than hồng
Ban đã biết cách dùng nước biến bánh mì cũ ngon như mới chưa? Cùng xem nhé!
Đầu tiên, bạn nhúng nhanh toàn bộ bánh mì vào nước rồi đặt lên bếp than hồng nướng lại trong 8 – 9 phút.
Nếu không có bếp than hồng thì bạn có thể cho bánh mì vào lò vi sóng, nướng ở nhiệt độ 125 độ C trong 5 phút là bánh mì giòn ngon trở lại ngay lập tức.
1.3. Bảo quản bánh mì bằng đường
Bạn chỉ cần cho bánh mì và 2 – 3 viên đường (hoặc 1 – 2 muỗng canh đường) vào 1 cái túi. Sau đó, bạn buộc thật kín miệng túi lại tránh để kiến vào.
Đối với cách này, bạn có thể dùng đường nâu, đường cát đều được. Tuy nhiên, bạn nên hạn chế sử dụng đường thốt nốt, đường phèn vì kết cấu của 2 loại đường này khác với đường cát và đường nâu nên có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng hút ẩm.
2. Cách bảo quản bánh mì sandwich không bị khô
Vì bánh mì sandwich có độ mềm dai nhất định nên nếu bạn muốn giữ bánh sandwich thơm ngon thì cách bảo quản sẽ khác so với loại bánh mì cần giữ độ giòn thông thường.
2.1. Sử dụng giấy báo
Bạn có thể giữ được độ ngon cho bánh mì sandwich bằng cách dùng giấy báo bọc kín quanh bánh mì và để ngoài ở nhiệt độ thường. Cách này sẽ giúp giữ được độ mềm dai của bánh, nhưng chỉ giữ cho bánh ngon được trong ngày thôi nhé.
2.2. Bọc kín trong tủ lạnh
Để bảo quản được lâu, bạn nên cho bánh mì sandwich vào túi nilon hoặc túi zipper rồi bọc lại thật kín, nếu có thể hút chân không thì càng tốt. Sau đó, bạn cho túi bánh mì vào ngăn đá tủ lạnh để bảo quản.
Làm như vậy sẽ giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, kéo dài thời gian bảo quản tăng lên tới vài tháng. Khi dùng bạn chỉ cần để bánh ra khỏi ngăn đá, rã đông hoàn toàn trước khi lấy ra khỏi túi nilon là được.
2.3. Sử dụng vài cọng rau cần tây
Để giữ được độ mềm dai và mùi thơm của bánh sandwich thì sau khi mua về bạn hãy cho bánh vào túi nilon cùng vài cọng rau cần tây rồi buộc chặt miệng túi lại.
Rau cần tây sẽ giúp cho bánh mì mềm và giữ hương vị trong ít nhất 1 ngày.
2.4. Vài lát khoai tây hoặc vài lát táo
Bạn hãy cho bánh mì, vài lát khoai tây hoặc táo vào trong 1 chiếc túi kín rồi đóng miệng túi lại. Cách này không chỉ được dùng để chống mốc và còn để đảm bảo bánh ngon như lúc mới mua trong 1 – 2 ngày.
3. Cách bảo quản bánh mì hoa cúc
Bánh mì hoa cúc nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon khó cưỡng. Tuy nhiên một chiếc bánh mì hoa cúc tương đối lớn, vậy nên khó có thể ăn hết ngay trong một lần. Để bảo quản bánh mì hoa cúc được lâu hơn, bạn có thể cho bánh vào túi đựng bánh mì hoa cúc chuyên dụng, buộc kín và để nơi thoáng mát.
Bạn cũng có thể sử dụng màng bọc thực phẩm, bọc bánh lại cho kín gió để giữ bánh luôn mềm.
Bánh mì hoa cúc ăn ngon nhất từ 1 – 3 ngày tính từ ngày mở bao bì. Vì vậy bạn nên sử dụng hết ổ bánh trong khoảng thời gian đó để tránh bánh bị hỏng hay mốc.