Rau thối là một nguyên liệu có mùi hương độc đáo và thường được người dân Tây Bắc chế biến thành nhiều món ăn ngon lành. Hôm nay, Thu Hà sẽ giới thiệu cho bạn rõ hơn về loại đặc sản đặc biệt này của vùng Tây Bắc nhé!
1. Rau thối là gì?
Rau thối trong tiếng dân tộc Thái được gọi là cây pắc nam, là một loại cây mọc hoang trong rừng, thuộc họ dây leo, có lá kép xanh thẫm và mọc đối xứng. Thân cây rau thối dài, cành, lá có nhiều gai nhọn và chồi non có nhiều phiến lá. Các phiến lá này khá nhỏ, hơi dài, cụp vào với nhau và đồng thời cũng là phần ngon nhất để chế biến món ăn.
Nguyên nhân rau thối có tên này là vì cây có một mùi hôi nồng nàn và đặc trưng. Tuy nhiên, vào độ tháng 3 – tháng 6 ở các khu vực vùng núi Tây Bắc như tỉnh Sơn La, Điện Biên,… người dân bản địa sẽ đi hái ngọn và lá non của cây về, sau đó sử dụng làm thảo dược hoặc chế biến thành những món ăn ngon lành, dân dã nhưng độc đáo.
2. Rau thối có gì đặc biệt?
2.1. Mùi hương của rau thối
Khi người dân hái loại rau này thường rất cẩn thận để không bị gai đâm vào tay. Điểm đặc biệt của rau này chính là sau khi hái thì mùi hôi, độ giòn khi để lâu sẽ giảm đi. Cho nên họ thường sẽ chế biến ngay để giữ trọn vẹn hương vị.
2.2. Công dụng của rau thối
Bên cạnh việc có thể sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, rau thối đồng thời còn được xem là một loại thảo dược giúp chữa bệnh xương khớp và có công dụng giải nhiệt rất tốt, chính vì thế mà đã thu hút nhiều khách du lịch thành thị đến thăm Tây Bắc, đồng thời ưa chuộng sử dụng loại cây này vào các dịp hè nóng nực, oi bức.
Ngoài ra, cũng nhờ khả năng giải nhiệt như đã nói, rau thối còn là một vị thuốc thiên nhiên giúp chữa các bệnh về gan, thận và dạ dày vô cùng hiệu quả, bởi rau có khả năng giảm thiểu tình trạng bị dư thừa axit trong dạ dày và đồng thời khắc phục các tình trạng như ợ chua, ợ nóng, đắng miệng, đau dạ dày,…
3. Cách chế biến rau thối
Tuy chỉ là một loại cây rau rừng dân dã, thế nhưng rau thối có thể được sử dụng để chế biến thành những món ăn vô cùng hấp dẫn, điển hình như:
3.1. Rau thối nộm cà gai thịt lợn sấy
Rau thối nộm cà gai thịt lợn sấy là một món ăn khá độc đáo, mới lạ và đồng thời cũng là món đặc trưng cho nền văn hóa ẩm thực Tây Bắc. Với hương vị tươi ngọt, đậm đà của thịt lợn, cà gai và kết hợp cùng sự dài giòn, ngon ngọt của rau thối, bạn chắc chắn sẽ được đánh thức vị giác chỉ ngay từ lần đầu tiên nếm thử.
Cách chế biến món ăn này khá đơn giản, sau khi sơ chế rau thối, cà gai và thịt lợn sấy khô, bạn tiến hành luộc chín phần rau thối, cà gai, sau đó vớt ra cho ráo nước, cho vào một tô lớn rồi nêm gia vị vào để vừa với khẩu vị riêng của bản thân, tiếp theo bạn đi hấp chín thịt lợn sấy, xé nhỏ, cho vào tô rồi trộn đều và thưởng thức.
3.2. Canh rau thối đuôi heo
Là một món ăn vừa lạ mà vừa quen, canh rau thối đuôi heo không chỉ mang hương vị tươi ngọt từ đuôi heo, rau thối và sự đậm đà của nước dùng mà đồng thời còn là một món ăn giúp cung cấp nhiều dưỡng chất như protein, collagen, sắt, canxi,…
Sau khi sơ chế đuôi heo và rau thối, bạn đem đuôi heo đi hầm cho chín nhừ ra còn rau thối đem rửa sạch sẽ. Kế tiếp, bạn nấu canh đuôi heo bằng cách nêm thêm đường, muối, bột ngọt, hạt nêm, tiêu, đợi khi canh nấu gần xong thì thả rau thối vào khoảng 3 – 5 phút để rau thối vẫn giữ được hương vị giòn, ngọt và và màu xanh đẹp mắt.
3.3. Rau thối xào măng
Rau thối xào măng cũng là một món ăn quen thuộc trong mâm cơm của người dân Tây Bắc, thường mang hương vị tươi ngọt, thanh mát và dai giòn sựt sựt, đồng thời đây còn là một món ăn được ưa chuộng vào mùa hè vì có khả năng giải nhiệt rất tốt.
Để chế biến món ăn này, đầu tiên bạn cần nhặt hết ngọn non của rau thối và rửa sạch, sau đó loại bỏ lá ngoài của măng, chẻ ra với độ dày vừa ăn và cũng đem rửa. Tiếp theo, bạn bắc chảo lên bếp, phi thơm hành tím và cho măng vào xào với dầu ăn, khoảng 2 phút sau thì cho rau thối cùng gia vị vào xào cùng, sau 5 – 7 phút thì tắt bếp.
3.4. Rau thối nhồi cá nướng
Cũng là một món ăn mộc mạc, đến từ vùng miền Tây Bắc, món rau thối nhồi cá nướng này không chỉ có màu sắc đẹp mắt, mùi thơm hấp dẫn mà đồng thời còn mang hương vị giòn rụm của lớp vỏ cá bên ngoài, sự tươi ngọt của phần thịt cá và vị dai giòn, thấm đẫm gia vị của rau thối bên trong.
Trước tiên, bạn cần chuẩn bị một con cá có kích thước tương đối lớn, sau đó tiến hành sơ chế và khử mùi tanh của cá. Rau thối bạn đem rửa sạch, thái nhỏ rồi đem trộn với muối, đường, tiêu, nước mắm, sau đó cho hỗn hợp vào bụng cá, xoa đều, gập cá lại rồi đem nướng đến khi lớp vỏ ngoài vàng giòn thì có thể thưởng thức.
Vậy là Thu Hà đã giới thiệu xong cho bạn về rau thối, một loại đặc sản vô cùng đặc biệt của vùng Tây Bắc rồi đó! Hy vọng sau bài viết này, bạn sẽ có cơ hội du lịch đến Tây Bắc và thưởng thức các món ăn được làm từ nguyên liệu độc đáo này nhé!