Sử dụng thớt đúng cách sẽ mang đến chất lượng thực phẩm tích cực hơn. Đồng thời, sử dụng và bảo quản thớt đúng cách không những kéo dài tuổi thọ của thớt mà còn giúp bạn tránh được nhiều nguy cơ. Ngay bây giờ cùng tìm hiểu xem bạn đã dùng đúng cách chưa nhé:
1. Sử dụng thớt đúng cách
Không nên sử dụng thớt đã quá cũ
Một khi thớt của bạn bắt đầu bị nứt hoặc có các rãnh rất khó để làm sạch, điều này sẽ rất dễ dàng cho vi khuẩn sinh sống trong đó. Đây chính là thời gian để thay một chiếc thớt mới.
Không sử dụng 2 mặt thớt
Sai lầm phổ biến của mọi gia đình là sử dụng cả 2 mặt của thớt. Trên thực tế, các mặt phẳng dùng để kê thớt khi chế biến thức ăn như nền nhà, kệ bếp là nơi rất bẩn. Khi đặt mặt thớt xuống, vi khuẩn, vi trùng đã bám vào, do vậy, bạn chỉ nên sử dụng một mặt mà thôi.
Không nên thái rau và thịt sống trên cùng một thớt
Thịt sống rất dễ sản sinh ký sinh trùng, trong khi đó nhiệt độ nấu các loại rau thường không cao, không ít loại rau còn có thể ăn sống trực tiếp, nếu ta sử dụng chung một chiếc thớt để thái rau và thái thịt cùng lúc sẽ rất dễ tạo nên lây nhiễm vi khuẩn chéo, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Không dùng miếng thép chà thớt
Dùng miếng rửa bát thép hoặc kim loại để chà rửa thớt thường xuyên sẽ làm thớt bị xước, đây là nơi ẩn náu của nhiều loại vi khuẩn. Thay miếng thép bằng miếng vải mềm để không bị xước trong quá trình chà rửa thớt.
Sau khi chà rửa bạn nhớ không để thớt nằm ngang, bởi có thể khiến cho nước thấm sâu vào thớt, khó khô, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Một số cách vệ sinh thớt sau khi dùng xong
Sau khi sử dụng xong thớt bạn nhớ chà rửa thớt bằng một ít muối, sau đó là dùng 1/2 trái chanh chà lên thớt hoặc dùng nước rửa bát xong thì dùng nước nóng tráng qua, việc này có tác dụng khử trùng, diệt nấm mốc Bạn cũng có thể sử dụng dung dịch dấm để làm vệ sinh thớt bằng cách rót dấm lên thớt, dùng miếng bọt biển cọ sạch rồi rửa lại với nước sạch.
Cuối cùng nên lau khô và treo thớt ở nơi khô thoáng, tránh nấm mốc
Một lưu ý nữa là bạn không nên phơi thớt trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời nhằm tránh thớt bị nứt nẻ, biến dạng, ảnh hưởng đến tuổi thọ của thớt khi sử dụng
2. Lựa chọn thớt phù hợp với mục đích sử dụng
Thớt hiện nay có rất nhiều chất liệu như gỗ, nhựa, thủy tinh… tùy vào mục đích sử dụng mà chọn chất liệu thớt phù hợp bởi mỗi loại có ưu, nhược điểm khác nhau.
Thớt gỗ
Thớt gỗ là loại phổ biến nhất và thớt gỗ là loại thớt chế biến thức ăn truyền thống được sử dụng trong nhiều gia đình. Vì dô bền cao nên rất được các bà nội trợ ưa chuộng.
Ưu điểm: có độ bền cao, trọng lượng nặng. Thớt gỗ gia dụng làm bếp thường nặng hơn các loại thớt khác và nhờ vào đặc tính cứng, bền nên chiếc thớt gỗ rất thích hợp dùng để chặt thịt, chặt xương.
Nhược điểm: Thớt gỗ sử dụng lâu ngày thường có mùn, bị nứt và ẩm mục cũng là nguyên nhân gây ra nấm mốc. Những loại thớt gỗ có vết nứt dễ bị thẩm thấu nước, tạo điều kiện cho vi sinh vật gây hại phát triển.
Thớt nhựa
Sau thớt gỗ, thớt nhựa phổ biến thứ hai, thớt nhựa khắc phục được nhiều nhược điểm của thớt gỗ.
Ưu điểm: Thớt nhựa rất nhẹ, không bị thấm nước, không có mùn thớt và không bị mục, sử dụng thớt nhựa để thái các loại thức ăn đã chế biến, không cần nhiều lực.
Nhược điểm: Thớt nhựa không chịu được lực tác động lớn, không thích hợp để thái một số thực phẩm có nhiều chất béo vì sẽ rất khó làm sạch.
Thớt thủy tinh
Ưu điểm: Thường được làm từ thủy tinh chịu lực nên không bị mùn, không bị oxy hóa, dễ lau rửa, chịu được nhiệt độ cao. Bạn có thể yên tâm cắt thực phẩm mà không sợ làm trầy, xước bề mặt thớt. Thớt thủy tinh thường được sử dụng để cắt trái cây, rau củ, thức ăn mềm như cơm cuộn,..
Nhược điểm: Bề mặt thớt cứng làm dao nhanh cùn, không thích hợp cho việc băm, chặt thức ăn. Bề mặt thớt trơn nhẵn có thể khiến dao dễ bị trượt, gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Chắc giờ đây bạn cũng đã có câu trả lời làm sao để biết gia đình đã sử dụng thớt đúng cách và phù hợp hay chưa rồi phải không? Nếu đang mắc những sai lầm trong việc sử dụng thớt, bạn hãy điều chỉnh lại ngay, bởi sử dụng sai cách không những khiến chất lượng thực phẩm bị ảnh hưởng trực tiếp, mà còn nguy hại đến sức khỏe. Lựa chọn và bảo quản thớt đúng cách để nâng cao chất lượng thực phẩm và an toàn sức khỏe cho gia đình bạn nhé!
Có thể bạn quan tâm:
Xem thêm nhiều thông tin hữu ích tại Bí quyết nấu ăn
Thu Hà