Không chỉ là loại trái cây thường dùng tráng miệng sau bữa ăn, quýt còn chứa rất nhiều lợi ích dinh dưỡng và sức khỏe. Cùng Thu Hà tìm hiểu về loại trái cây này nhé!
1. Các loại quýt ở Việt Nam
Quýt không chỉ có 1 loại mà chúng còn có nhiều giống khác nhau như sau:
1.1. Quýt đường (quýt da xanh)
Đặc điểm của quýt đường là vỏ mỏng, trơn láng, khi quả còn non thì có màu xanh đậm, khi chín chuyển dần sang vàng, quả mọng nước, vị ngọt thanh, mùi thơm đặc trưng và khi ăn để lại hậu chua chua trong cổ họng.
Khi bóc vỏ quýt đường, bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm rất đặc trưng của tinh dầu tiết ra từ vỏ quýt, rất kích thích khứu giác và vị giác.
Quýt đường được trồng trải dọc khắp các tỉnh miền tây, đặc biệt ở Cái Bè – Tiền Giang, Lai Vung – Đồng Tháp và Long Trị – Hậu Giang.
Quýt đường thường ra trái quanh năm và được bán rộ nhất vào khoảng Tết Nguyên Đán và tầm tháng 3 – 4.
1.2. Quýt hồng (quýt tiều)
Quýt hồng hay còn gọi là quýt tiều, có xuất xứ từ các tỉnh miền Tây.
Quýt hồng trái hình cầu, hai đầu dẹp hơi lõm và có lớp vỏ màu hồng cam hơi xen kẽ sắc xanh khi chín, vỏ mỏng, ruột đỏ, ít hạt, đặc biệt với vị ngọt lịm và mọng nước.
Quýt hồng chỉ thu hoạch 1 vụ mùa duy nhất trong năm, từ tháng 11 – 12 âm lịch, cận Tết Nguyên Đán.
Quýt hồng nổi tiếng nhất là từ vùng đất Lai Vung (Đồng Tháp), người dân địa phương còn gọi là quýt Tiều Son.
1.3. Quýt Thái
Quýt Thái có 2 loại là quýt Thái có hạt và không hạt, là giống quýt đỏ có nguồn gốc từ Thái Lan.
Quýt Thái có hình cầu, hơi dẹp ở 2 đầu, thuần ngọt, ngọt thanh không có vị chua, vỏ mỏng, khi trái lớn có màu xanh và khi chín chuyển sang màu cam đỏ đẹp mắt, có nhiều vết da cam sần sùi trên mặt vỏ, dễ tách múi, hương thơm nhẹ.
Quýt Thái thường dùng ăn tươi là ngon nhất, không cần dùng vắt nước hay chế biến các món ăn khác.
Quýt Thái có thể trồng nhiều mùa vụ trong năm, nó đang được nhân rộng diện tích trồng ở một số tỉnh miền Tây.
1.4. Quýt Bắc Cạn
Là giống cây bản địa, mang nguồn gen quý hiếm, có thể canh tác ở độ dốc lớn, chịu sâu bệnh.
Quýt Bắc Cạn quả tròn dẹt, vỏ nhẵn màu vàng tươi và hơi dày, múi mài vàng rơm, vị chua dịu và không the đắng, có mùi thơm rất đặc trưng và thơm lâu. Hương vị của quýt Bắc Cạn rất đặc biệt, không trộn lẫn với bất kỳ sản phẩm quýt của vùng khác.
Quýt này thu hoạch rộ mùa vào khoảng tháng 10 âm lịch cho đến Tết Nguyên Đán.
1.5. Quýt chum Hà Giang
Quýt chum Hà Giang có lớp vỏ sần sùi, dễ bóc vỏ, vị ngọt mát, mọng nước. Khi quả còn non có màu xanh, khi chín sẽ ngả màu vàng cam đẹp mắt. Một quả quýt chum có khối lượng khoảng 120g – 150g.
1.6. Quýt giấy
Quýt giấy có vỏ xốp mỏng như giấy, dễ bóc để ăn. Lúc bóc vỏ quýt giấy ra, mùi thơm ngọt mát xộc thẳng vào mũi, kích thích vị giác.
2. Tác dụng của quả quýt
2.1. Tác dụng đối với sức khoẻ
Trong một quả quýt kích thước trung bình sẽ chứa lượng khoảng và các hàm lượng dinh dưỡng như sau:
- 47 calo
- 12gr carbohydrate
- 1.5gr chất xơ
- 8gr đường
- 23.5mg vitamin C
- 0.04mg đồng
- 0.07mg vitamin B6
- 146mg kali
- 0.03mg vitamin B2
- 33mg canxi
- 11mg magie
Ngoài ra, trong quýt còn có các vitamin và khoáng chất khác như: Vitamin A, vitamin E, vitamin B3,…
Chọn quýt ngon đúng khẩu vị, phải nắm được không chỉ tên gọi, mà còn là đặc điểm nổi bật và mùa vụ của nó. Với những thông tin trên, hẳn sẽ giúp bạn dễ phân biệt hơn các loại quýt và có sự lựa chọn ưa thích nhất cho mình và gia đình.
Các lại trái cây họ cam, quýt, chanh nói chung và trái quýt nói riêng có chứa nhiều dưỡng chất và vitamin đem lại rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người. Có thể kể đến những công dụng tiêu biểu như:
- Hỗ trợ hệ miễn dịch: Giúp cơ thể chống lại các vi khuẩn thông thường lây qua đường hô hấp, nâng cao khả năng miễn dịch ở người.
- Giàu chất chống oxy hóa: Giúp làm chậm hoặc ngăn chặn quá trình oxy hóa diễn ra, giảm các tình trạng căng thẳng, giúp cơ thể tránh được các nguy cơ mắc bệnh mãn tính.
- Cải thiện hệ tiêu hóa: Quýt chứa nhiều chất xơ giúp hệ tiêu hóa của bạn trở nên khỏe mạnh hơn.
- Ngăn ngừa bị sỏi thận: Quýt giúp làm giảm hiện tượng đau buốt, buồn nôn khi tiểu.
- Cải thiện sức khỏe tim mạch: Một nghiên cứu chỉ ra nếu thêm các loại trái cây họ cam, quýt vào chế độ ăn sẽ giữ cho bạn có một trái tim khỏe, giảm các nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
- Giảm viêm: Vitamin C và các chất chống oxy hóa mạnh mẽ có trong quýt sẽ giúp cơ thể bạn bảo vệ các tế bào khỏi bị tổn thương, giảm các nguy cơ gây ra viêm sưng tế bào.
Ngoài ra, quýt còn mang nhiều công dụng có lợi khác cho sức khỏe và cơ thể của bạn như tốt cho mắt, da, kiểm soát bệnh tiểu đường,…
2.2. Tác dụng của vỏ quýt
Vỏ quýt có công dụng trị ho, giảm hôi miệng rất tốt. Nước ngâm vỏ quýt giúp giảm tình trạng táo bón, đầy hơi.
Nếu bạn bị mất ngủ, khó ngủ, hãy thử cho vài miếng vỏ quýt vào nước tắm, nó sẽ giúp bạn thư giãn, thoải mái, từ đó dễ ngủ hơn.
3. Cách chọn quýt ngon, không bị hư
Để chọn quýt ngon, ngọt, không bị sượng bạn nên quan sát phần cuống, vỏ và màu sắc bên ngoài. Nên chọn quả quýt cuống còn tươi và xanh, chọn quả quýt đồng màu, hoặc có màu vàng mỡ gà chiếm ít nhất 1/3 quả quýt.
4. Các câu hỏi thường gặp về quả quýt
4.1. Quả quýt có bao nhiêu calo? Ăn quýt có giúp giảm cân không?
Trong 100g quýt sẽ có khoảng 53,3 kcal. Trong quýt chứa nhiều vitamin C, Flavonoid, chất xơ và nước. Vì thế quýt rất tốt cho tiêu hóa, giúp quá trình chuyển hóa năng lượng diễn ra nhanh hơn, hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
4.2. Cách phân biệt quýt Việt Nam và quýt Trung Quốc
Để phân biệt quýt Việt Nam và quýt Trung Quốc, bạn hãy dựa theo những tiêu chí sau:
Tiêu chí | Quýt Trung Quốc | Quýt Việt Nam |
Độ dày vỏ | Vỏ dày, khô | Vỏ mỏng |
Màu sắc | Màu cam, vàng đẹp mắt | Bị nám, có đốm mờ, màu vàng mỡ gà |
Hình dáng | Trái tròn, đồng đều | Kích thước các trái không đồng đều |
Hương vị | Ngọt đậm, hơi hắc hoặc đắng | Vị thanh, chua dịu |
Thông qua bài viết trên, Thu Hà mong rằng bạn sẽ có thêm được nhiều kiến thức và thông tin bổ ích về quả quýt để có thể dùng trong cuộc sống hằng ngày nhé!