Những chiếc bánh nướng mới ra lò thơm phức vị truyền thống, sau 2 ngày ủ bánh thì bánh trở nên mềm và đẹp mặn mà hơn như bình rượu ủ lâu ngày. Lớp vỏ bánh được nướng vàng nâu, bóng mượt bắt mắt. Ăn một miếng bánh, cảm nhận phần nhân thập cẩm đủ đầy, ngọt ngào phối hợp với vỏ bánh béo thơm khiến lòng chợt tràn đầy ấm áp. Chiếc bánh tròn tình vẹn nghĩa, được làm với cả tình thương quý sẽ làm cho mùa Trung thu năm nay càng thêm ý nghĩa.
1. Cách làm bánh Trung thu nhân thập cẩm truyền thống
1.1. Nguyên liệu làm bánh Trung thu nhân thập cẩm truyền thống
- 300g bột mì đa dụng
- 10g bột bánh dẻo
- 100g lạp xưởng (đã luộc và cắt hạt lựu)
- 100g hạt điều
- 100g hạt dưa
- 100g hạt sen
- 100g mứt vỏ cam
- 100g mứt bí
- 100g mứt vỏ chanh
- 100g mứt gừng
- 100g mè trắng
- 1/2 trái chanh
- 50ml rượu mai quế lộ
- 1 muỗng cà phê nước hoa bưởi
- 1 muỗng cà phê nước tro tàu
- 2 quả trứng gà
- 20 ml dầu mè
- 110 ml dầu ăn
- 500 gr đường
- 1 muỗng cà phê muối
- Dụng cụ: Lò nướng, lò vi sóng, nồi, tô, muỗng, cây cán bột, khuôn làm bánh,…
1.2. Cách làm bánh Trung thu nhân thập cẩm truyền thống
Bước 1: Nấu nước đường
Đầu tiên, bạn bắc 1 nồi lên bếp, thêm 300ml nước lọc, 500g đường và nước cốt 1/2 trái chanh.
Sau đó bạn đun cho hỗn hợp sôi ở lửa vừa nhưng không khuấy, đến khi đường tan và sôi thì bạn hạ nhỏ lửa, nấu thêm khoảng 1 tiếng thì tắt bếp, để nguội.
Bước 2: Làm nhân bánh trung thu
Cho vào tô 100g hạt điều, hạt dưa và mè trắng sau đó trộn đều và cho vào lò vi sóng để sấy khô khoảng 4 phút.
Sau đó bạn cho thêm 100g các loại mứt bí, hạt sen, mứt vỏ cam, mứt vỏ chanh, mứt gừng, lạp xưởng luộc đã cắt hạt lựu, 20ml dầu mè, 50ml rượu mai quế lộ, 1 muỗng cà phê nước hoa bưởi, 10g bột bánh dẻo, 1 muỗng cà phê muối và trộn đều. Sau đó bạn chia thành 10 phần bằng nhau và vo tròn.
Bước 3: Làm vỏ bánh trung thu
Cho vào tô 300g bột mì, 200ml nước đường đã nấu, cùng với 80ml dầu ăn, 1 muỗng cà phê nước tro tàu, rồi trộn đều các nguyên liệu. Bạn dùng tay nhào bột đến khi khối bột dẻo mịn, không dính tay.
Bước 4: Tạo hình bánh trung thu
Chia phần bột làm vỏ bánh và nhân thành 10 phần. Phần bột làm vỏ bánh thì dùng cây cán bột cán móng vừa phải, cho nhân vào giữa và túm mép bọt lại thật kín rồi vo tròn.
Cuối cùng, bạn cho bánh vào khuôn, nén chặt vừa phải để tạo hình rồi lấy bánh ra.
Bước 5: Nướng bánh trung thu
Bạn bật lò nướng để làm nóng trước 10 phút ở mức nhiệt độ 200 độ C. Sau đó bạn xếp bánh vào lò nướng trong khoảng 10 phút ở 200 độ C. Sau 10 phút thì bạn xịt phun sương nước lọc lên bề mặt bánh và để nguội bớt.
Tiếp theo, bạn khuấy đều 2 quả trứng gà với 2 muỗng canh dầu ăn và phết lên trên mặt bánh. Đặt bánh vào lò nướng thêm 10 phút nữa là hoàn thành.
Bước 6: Thành phẩm
Khi bánh chín bạn nhẹ tay lấy bánh ra và để nguội. Bánh sau khi nguội là có thể cắt bánh ra và thưởng thức. Vỏ bánh bên ngoài có màu vàng đẹp mắt, khi thưởng thức có vị béo mềm, bùi bùi hấp dẫn.
2. Cách làm bánh Trung thu nhân thập cẩm trứng muối
Chuẩn bị 60 phút Chế biến 120 phút Dành cho 3 – 4 người
2.1. Nguyên liệu làm bánh Trung thu nhân thập cẩm trứng muối
Phần vỏ bánh
- 160g nước đường bánh nướng
- 130g bột mì đa dụng
- 130g bột bánh ngọt (bột mì số 8)
- 30g dầu ăn
- 10g bơ đậu phộng
- 1/4 muỗng muối nở (baking soda)
- 1 quả trứng
- Sữa tươi không đường
Phần nhân thập cẩm
- 50g mứt bí
- 50g hạt điều rang
- 50g hạt bí
- 50g lạp xưởng hấp
- 50g mứt hạt sen
- 40g hạt dưa rang
- 40g mỡ đường
- 40g mè rang
- 40g bột bánh dẻo
- 30g mứt gừng đỏ
- 20g mứt tắc
- 5 lòng đỏ trứng muối
- 5 lá chanh
- 2 vỏ chanh
- Rượu Mai Quế Lộ
- Dầu mè
2.2. Cách làm bánh Trung thu nhân thập cẩm trứng muối
Bước 1: Trộn bột làm vỏ bánh
Bột mì và bột bánh ngọt cùng rây thật mịn để 2 loại bột hòa lẫn với nhau. Tạo chỗ trũng giữa bột, cho muối nở, dầu ăn, nước đường và bơ đậu phộng vào, khuấy đều cho các nguyên liệu trộn lẫn vào nhau.
Rửa sạch tay, nhồi bột đến khi bột thành một khối dẻo hoàn chỉnh, đều màu thì dừng. Tránh nhồi bột quá kỹ sẽ làm bột bị chai, ăn không ngon.
Dùng màng bọc thực phẩm để bao khối bột lại để bột không bị khô. Ủ bột 45 phút.
Bước 2: Chuẩn bị lòng đỏ trứng muối
Lòng đỏ trứng muối các bạn rửa với nước cho sạch lòng trắng. Sau đó ngâm qua rượu Mai Quế Lộ trong 50 giây. Như vậy lòng đỏ trứng sẽ thơm ngon hơn và không bị tanh.
Bật lò nướng trước 10 phút ở nhiệt độ 160 – 170 độ. Đặt lòng đỏ trứng vào khay nướng, phết lên trứng 1 lớp dầu mè cho trứng được béo thơm hơn. Nướng lòng đỏ trứng trong 5 phút.
Chú ý canh chuẩn thời gian, không nướng trứng quá lâu, sẽ làm trứng bị bở, khô và vỡ vụn khi cắt bánh, làm mất thẩm mỹ và không ngon nữa.
Nếu không nướng, các bạn có thể đem trứng đi hấp chín nhé!
Bước 3: Làm nhân thập cẩm
Những nguyên liệu làm nhân nào quá to, các bạn cắt nhỏ lại theo kiểu hạt lựu. Lá chanh và vỏ chanh xắt nhuyễn.
Cho hết các loại hạt, mứt, vỏ chanh và lá chanh vào một tô lớn. Thêm vào 2 muỗng canh rượu Mai Quế Lộ, một ít bột dẻo và nước. Trộn đều, thêm nước và bột dẻo từ từ đến khi nhân có độ kết dính, dễ dàng viên thành khối là được.
Bước 4: Tạo hình bánh
Chia nhân và vỏ theo từng viên có khối lượng đúng với tỉ lệ. Một chiếc bánh cân đối sẽ có tỉ lệ nhân (đã bao gồm lòng đỏ trứng) gấp đôi vỏ bánh nhé. Ví dụ, với khuôn bánh 200g, bạn có tỉ lệ là 135g nhân và 65g vỏ bánh. Cho trứng vào giữa viên nhân để khi cắt ra bánh trông đẹp và cân đối bạn nhé!
Phủ một lớp bột áo, cán đều viên bột đến độ rộng vừa đủ để bao quanh nhân bánh. Chỉnh sửa lại sao cho bột bao kín nhân, không có không khí bên trong và không có vết nứt. Nếu có không khí giữa lớp vỏ và nhân, khi nướng lên bánh sẽ phồng lên và mất nét.
Áo sơ một lớp dầu vào khuôn bánh, cho bánh vào khuôn và ép nhẹ trong 10 giây để định hình bánh. Nhẹ nhàng lấy bánh ra khỏi khuôn, vậy là ta đã có những chiếc bánh được tạo hình xinh xắn rồi.
Bước 5: Nướng bánh
Mở lò trước 10 phút ở nhiệt độ 190 độ cho lò đủ nhiệt. Đặt bánh lên khay, trước khi cho vào lò, bạn nhớ xịt đều một lớp nước mỏng lên bánh nhé. Việc này sẽ giúp bánh nhanh định hình hơn. Nướng trong 12 phút.
Làm hỗn hợp quét mặt bánh: 1 lòng đỏ trứng và 1 ít lòng trắng, 2 thìa cà phê sữa tươi không đường và 1 thìa cà phê dầu mè, đánh đều.
Khi nướng đủ thời gian, bạn lấy bánh ra khỏi lò. Xịt nước đều lên bánh và đợi 15 – 20 phút cho bánh nguội hẳn đi. Dùng cọ quét đều 1 lớp mỏng hỗn hợp trứng lên mặt bánh và xung quanh thân bánh.
Làm nóng lò trước 10 phút với nhiệt độ 165 độ. Nướng bánh lần 2 trong 12 phút.
Khi đủ thời gian, lấy bánh ra và xịt thêm một lớp nước ngay lên mặt bánh cho thật đều. Tiếp tục đợi cho bánh nguội hoàn toàn, sau đó quét mặt bánh lần hai.
Cho bánh vào lò và nướng bánh lần 3 với nhiệt độ 165 độ trong 5 phút.
Sau khi kết thúc lần nướng thứ ba, chúng ta cũng đã hoàn thành xong chiếc bánh trung thu thập cẩm rồi!
Bước 6: Thành phẩm
Bánh vừa nướng xong, các bạn nên lấy ra khỏi khay cho thoáng. Đợi đến khi nguội hẳn thì chúng ta đóng bánh lại bằng túi hoặc bằng hộp, nhớ cho thêm 1 gói hút ẩm vào bạn nhé!
Sau thời gian đóng bánh khoảng 2 ngày, bánh sẽ lên màu đậm hơn, lớp vỏ cũng mềm ra, cũng là lúc chúng ta có thể thưởng thức bánh rồi đấy.
3. Cách làm bánh Trung thu nhân thập cẩm yến sào
Ngoài 2 cách làm trên, bạn có thể sáng tạo, bắt tay vào làm bánh trung thu nhân thập cẩm yến sào đầy bổ dưỡng và ý nghĩa.
Bánh có nhân yến sào thơm ngon, hấp dẫn hương vị không thua kém gì so với các nhân thập cẩm khác mà còn tốt sức khỏe.
4. Cách làm bánh Trung thu nhân thập cẩm gà quay
Bánh trung thu nhân thập cẩm gà quay có hương vị mới mẻ, thịt gà quay hòa quyện với các nguyên liệu khác tạo nên sự hấp dẫn, thơm ngon khó cưỡng.
5. Mua bánh Trung thu online ở đâu chính hãng, giá tốt
Vào dịp Trung thu không thể thiếu những chiếc bánh Trung thu để thưởng thức hay làm quà tặng. Bạn có thể dễ dàng tìm mua bánh Trung thu tại nhiều địa điểm với nhiều thương hiệu, hương vị và giá thành khác nhau. Nhưng hãy ưu tiên những địa điểm uy tín, chất lượng để đảm bảo an toàn thực phẩm nhé!
Vậy là bạn đã biết cách làm bánh trung thu nhân thập cẩm tại nhà rồi. Với những chia sẻ và lưu ý trong bài, bánh bạn làm ra chắc chắn sẽ thành công đấy! Chúc bạn và những người thân yêu sẽ có một mùa Trung thu đầm ấm với những chiếc bánh vẹn tròn yêu thương nhé.