Măng là thực phẩm không còn quá xa lạ với nhiều người, được dùng chế biến thành nhiều món ăn ngon, hấp dẫn.
Trên khắp đất nước Việt Nam có nhiều loại măng ngon mà có thể bạn chưa biết đến, vì vậy hãy cùng Thu Hà khám phá ngay các loại măng phổ biến hiện nay dùng để nấu nướng qua bài viết sau nhé!
1. Măng le
Măng le có nhiều ở trong rừng của vùng Đông Nam Bộ như Đắk Lắk, loài măng này vốn được lấy từ phần ngọn của cây le, một loài cây thuộc họ tre nứa nhưng không có gai, phần thân dẻo và mọc thành bụi, bên trong măng le đặc ruột. Loại măng này bắt đầu có từ khoảng tháng 8 đến hết tháng 10 hằng năm.
Măng le hái về sẽ chia thành 2 loại là măng lóng và măng đọt và được sơ chế thành măng le khô hay dùng măng le tươi chế biến món ăn trực tiếp. Người ta dùng măng le để chế biến thành nhiều món như: Vịt kho măng, bún măng, vịt hầm măng,…Khi ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi nhẹ, mùi thơm và không bị chát hay đắng.
2. Măng tre
Măng tre hay măng ta có tên khoa học là Bambusa vulgaris và Phyllostachys. Đây là loại măng thường thấy ở hầu hết mọi miền quê Việt Nam, măng tre là phần thân cây non vừa trồi lên khỏi mặt đất, bên ngoài có dạng hình nón, phủ nhiều vòng nang cứng và đầu xẻ tua ngắn.
Măng tre là tên gọi chung của nhiều loại tre như: Tre gai rừng, tre mỡ, tre bát bộ, tre la ngà,…Trên thị trường ngoài măng tre tươi còn có măng tre khô, dù là loại nào thì trong măng có chứa glucozit là cyanide, đây là một chất khá nguy hiểm với sức khỏe con người, dễ gây ngộ độc, buồn nôn, chóng mặt, vì thế khi ăn măng tre cần có cách loại bỏ độc tố trong măng ra.
Nhờ có vị ngọt, hơi đắng, tính mát mà măng tre được dùng chế biến thành các món ăn như: Ếch xào măng, thịt kho măng, canh măng, hay nộm măng vịt,…
3. Măng nứa
Măng nứa có chủ yếu ở vừng núi rừng Tây Bắc, đây là một loại măng có kích thước nhỏ chỉ bằng ngón chân cái hoặc to hơn 1 chút, bóc vỏ ra có màu trắng nõn, luộc lên thì có màu vàng nhạt. Mùa măng nứa phổ biến là vào cuối tháng 7 đến tháng 10.
Măng nứa như bao loại măng khác, ngoài măng nứa tươi còn được phơi khô để dùng được lâu và bán có giá hơn.
Măng nứa có thể được dùng để chế biến thành nhiều món ăn như: Măng nứa xào thịt, xào lòng mề, măng nứa nấu canh, măng nhồi thịt, măng luộc chấm mắm,…
4. Măng vầu
Măng vầu có nhiều ở vùng Tây Bắc, đây là phần non của cây vầu và thường có nhiều vào khoảng cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 dương lịch. Bên ngoài măng vầu có màu tím nhạt, nhiều lông nhỏ, được bán cả vỏ vì khi lột vỏ để lâu không ăn sẽ bị cứng, không còn ngon ngọt.
Có 2 loại là măng vầu ngọt và măng vầu đắng, nếu càng già thì măng sẽ càng đắng và để phân biệt 2 loại này, bạn dựa vào phần bẹ lá của chúng. Măng vầu đắng có lớp bẹ đan xen nhau, còn măng vầu ngọt có lớp bẹ thuôn và trơn hơn.
Măng vầu có ít chất độc hơn các loại măng tre, măng nứa, thường được dùng chế biến các món xào, nấu canh, luộc hay lột phần lá dùng để cuốn thịt.
5. Măng lay
Măng lay phổ biến ở vùng Tây Bắc, thường xuất hiện từ tháng 7 đến tháng 10 hằng năm. Loại măng này khó thu hoạch hơn cả vì mọc sâu trong rừng và dễ bị hỏng. Bên ngoài măng lay có màu vàng nhạt, kích thước nhỏ, lá nhọn, bên trong đặc ruột và măng thường mọc thành bụi lớn ở những khe suối, sườn đồi.
Măng lay có thể chế biến bằng cách luộc, nộm, xào,…nhưng nổi tiếng là món măng lay luộc chấm chẩm chéo.
6. Măng sặt
Măng sặt là đặc sản của các Lào Cai, Yên Bái, Sơn La nước ta, thường mọc vào tầm tháng 3 đến tháng 4 dương lịch hằng năm. Bên ngoài măng sặt có kích thước nhỏ cỡ chuôi liềm, thon dài và thẳng, bên trong trắng nõn, khi ăn măng sặt sẽ có vị hơi đăng đắng chứ không ngọt.
Bạn nên chọn mua măng sặt có ngọn măng to, độ dài vừa phải vì phần thịt nhiều và dễ bóc vỏ hơn.
Măng sặt có thể dùng để chế biến các món đa dạng như: Luộc, xào, nướng, om, ngâm chua hay chỉ cần măng tươi chấm muối ớt chanh cũng ngon.
7. Măng lồ ô
Măng lồ ô là cây non của loại tre lồ ô, cây có tên khoa học là Bambusa balcooa, nguồn gốc từ Ấn Độ. Loại măng này thường xuất hiện nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên.
Mùa mưa sẽ có nhiều măng hơn, bên ngoài to tròn, đường kính từ 3-5cm và cao khoảng 20-30cm. Phần thân dưới nhiều xơ, cứng nên khi mua cần tránh và chọn mua măng có độ dài vừa phải.
Măng lồ ô có vị giòn, ngọt tự nhiên hơn nên dễ chế biến thành các món canh, xào, luộc,…
8. Măng giang
Măng giang là một đặc sản nữa đến từ vùng núi Tây Bắc. Măng được lấy từ cây giang thuộc họ tre, măng mọc thành bụi lớn nhưng ở trong rừng nên khá khó để thu hoạch và mùa măng giang phổ biến vào tầm tháng 8 dương lịch.
Măng giang bên trong có nhiều khoang, vỏ cứng hơn các loại măng khác nên khi mua hãy chọn mua măng đã được bóc sẵn. Thịt măng dày nhưng khi ăn lại có cảm giác mềm sần sần, được chế biến thành nhiều món, nhưng ngon hơn là ngâm chua, làm gỏi, nộm.
Trên đây là các loại măng được dùng làm nguyên liệu để nấu ăn hiện nay mà nhiều người thường hay tìm mua để chế biến. Hy vọng với những thông tin trên sẽ thật sự hữu ích với bạn.