Nếu bạn là người bận rộn và đang sử dụng gạo lứt để nấu thay cho gạo bình thường thì việc nấu 1 lần cho cả tuần giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian và năng lượng. Bạn có thể chế biến cơm gạo lứt thành nhiều món ngon khác cho bữa cơm trưa văn phòng cũng vô cùng tiện lợi.Vậy hãy cùng Thu Hà thử mẹo bảo quản cơm gạo lứt này nhé!
1. Chuẩn bị dụng cụ
- Gạo lứt
- Nước
- Giấy nến
- Giấy bạc
- Hộp nhựa đựng thực phẩm ( nếu có )
2. Cách bảo quản gạo lứt
2.1. Bước 1: Nấu gạo lứt
Đong một lượng gạo lứt mà bạn muốn nấu, sau đó vo sơ gạo và ngâm trong nước ấm khoảng 45 phút. Đây là cách nấu cơm gạo lứt sẽ giúp gạo dẻo và ngon hơn. Cho nước với tỉ lệ 2:1 và nấu bằng nồi cơm điện. Khi cơm chín, hãy đợi thêm 10-15 phút sau khi xới cơm để cơm được mềm và nở đều.
2.2. Bước 2: Chia phần vừa ăn và đóng gói
Khi cơm gạo lứt đã nguội bớt, bạn chia nhỏ phần cơm cho mỗi bữa. Bạn có thể dùng chén để dễ dàng chia vừa cho khẩu phần ăn của mình. Sau đó, để cơm lên giấy nến và bọc lại. Tiếp đó bọc thêm một lớp giấy bạc cho kín.
2.3. Bước 3: Dán nhãn và cấp đông.
Dùng giấy dán có ghi ngày, tháng năm để đánh dấu phần cơm nấu ngày hôm đấy.Đối với phần ăn trong tuần, bạn chỉ cần bỏ vào ngăn mát. Còn với phần ăn trong tháng, bạn nên bỏ vào ngăn đông. Khi cần đến, bạn chỉ cần bỏ phần ở ngăn đông xuống ngăn mát.
2.4. Bước 4: Làm nóng lại cơm gạo lứt
Khi ăn cơm gạo lứt bạn chỉ cần bỏ lớp giấy bạc đi, để lại lớp giấy nến và cho vào lò vi sóng từ 2-3 phút, cơm sẽ ngay lập tức được làm nóng lại và giống hệt như cơm mới nấu.
3. Lưu ý khi bảo quản
Để bảo quản tốt nhất, hãy bảo quản cơm gạo lứt trong hộp kín và để trong tủ lạnh.
Gạo lứt nấu chín và bảo quản của bạn sẽ để được khoảng 5-7 ngày ở ngăn mát.
Cách bảo quản cơm gạo lứt như thế này, không chỉ giúp bạn tiết kiệm được thời gian mà còn vô cùng tiện lợi. Mặc dù gạo lứt rất tốt cho sức khỏe, nhưng nếu ăn lâu dài sẽ gây tình trạng khó tiêu. Vì thế, tốt nhất một tháng bạn chỉ nên ăn 10-15 bữa cơm gạo lứt thôi nhé. Chúc các bạn thành công và có các bữa ăn đầy dinh dưỡng.